Người thầy tuyệt vời của tôi

21/11/2022 10:54

Với nhiều thế hệ sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), thầy Huỳnh Thế Cuộc luôn được tôn vinh là một "nhân cách lớn". Nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ mái trường này đã thành công trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Dù đi đâu về đâu, mái trường HUFLIT vẫn là tổ ấm, nơi mà sinh viên bao thế hệ - những người con HUFLIT - luôn muốn quay về.  Bởi ở đó có người thầy tuyệt với như thế…

 

1. Tôi, một cựu sinh viên, vẫn nhớ mãi như in ngày đầu tiên bước vào Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) - một trong những ngôi trường dân lập đầu tiên, ra đời theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Khi ấy, từ "dân lập" vẫn còn lạ lẫm lắm! Niềm tin đối với một trường đại học ngoài công lập còn rất mơ hồ.

Ngày ấy – hơn 25 năm trước, tôi quyết định nộp đơn vào trường với nguyện vọng phát triển vốn tiếng Anh. Với bộ dạng rụt rè thăm hỏi cách thức nộp hồ sơ, từ phía sau một giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp "Em cứ nộp đây, vài ngày nữa em nhớ quay lại trường mình xem thông báo nhé!", một người thầy nước da ngăm, dáng thấp, gương mặt phúc hậu đáp. Cách trả lời bằng giọng ấm áp ấy đã đặt nơi tôi một ánh nhìn tích cực ban đầu tại ngôi trường này.

Học kỳ đầu tiên trôi qua êm ả. Học kỳ kế tiếp, do trường mới hoạt động nên còn nhiều bất cập phát sinh. Hôm ấy, sinh viên đứng khá đông trước phòng Hiệu trưởng để được giải quyết khiếu nại. Trong số đó, có tôi và một số bạn cùng lớp. Chờ khoảng 30 phút, thầy Hiệu trưởng về đến. Sau khi lắng nghe ý kiến của nhóm chúng tôi, cứ ngỡ vị hiệu trưởng sẽ thể hiện thái độ của một nhà lãnh đạo nghiêm khắc, chỉ định liên hệ với cấp dưới để giải quyết, nhưng thật bất ngờ, thầy bảo: "Các con cứ yên tâm nhé, thầy sẽ đích thân giải quyết các khiếu nại cho tất cả các con" cùng với nụ cười hiền xoa diệu mọi bức xúc. Tôi biết thầy - Nhà giáo ưu tú Huỳnh Thế Cuộc – Chủ tịch Hội đồng sáng lập HUFLIT -  từ đó. Hiện nay, thầy là Chủ tịch danh dự Hội đồng trường HUFLIT. 


2. Sau này tìm hiểu nhiều mới biết ngay từ những năm còn công tác trong ngành ngoại giao, rồi về Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thầy Huỳnh Thế Cuộc luôn mang trong mình ước mơ, trăn trở xây dựng một ngôi trường đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ sự nghiệp trồng người. Theo thầy Huỳnh Thế Cuộc, nước ta có rất nhiều cử nhân tốt nghiệp kết quả tốt, song mặt bằng ngoại ngữ và tin học vẫn chưa đảm bảo tốc độ hội nhập và phát triển chung của thế giới. Đào tạo nguồn nhân lực có thể trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài bằng ngoại ngữ là điều cấp thiết hiện nay. Với đôi bàn tay trắng, thầy quyết tâm biến giấc mơ giáo dục thành hành động. Cùng với một nhóm thầy cô giáo dạy ngoại ngữ, năm 1992, thầy đã biến niềm đam mê giáo dục thành hiện thực. Cho đến nay, HUFLIT đã trở thành đơn vị đại học có uy tín trong cả nước về đào tạo tin học và ngoại ngữ. Giảng viên và sinh viên nhắc đến thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc bằng tất cả sự trân trọng về một người thầy đã dồn hết tâm sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.


Bên cạnh vai trò quản lý, thầy còn tham gia giảng dạy. Vào giờ học môn của thầy, sinh viên ngồi chật cả giảng đường vì thầy không chỉ dạy chữ. Lồng ghép vào môn học là nắm bắt tình hình chính trị thế giới, lòng yêu nước và nhân cách sống. Ngoài giờ làm việc và giảng dạy, những lúc thư giãn thầy thường xuyên nhắn tin thăm hỏi những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, sinh viên tích cực tham gia công tác đoàn hội. Đối với các trường hợp sinh viên đau ốm, hoặc sinh viên mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn, thầy trích tiền cá nhân để hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp trong khoảng thời gian dài. Bất cứ ai, dù quen hay lạ, khi cần tìm đến thầy đều giúp đỡ nhiệt tình. Không những thế, thầy còn là người đồng hành, theo sát ủng hộ tinh thần lẫn tài chính bằng chính “tiền túi” của mình cho các chương trình dự thi của trường. Thầy ít khi vắng mặt, trừ khi có chuyến công tác xa.

Đối với việc dạy và học các môn triết học, chính trị, thầy Cuộc luôn dành nhiều tâm huyết. Thầy từng tâm sự rằng, phải làm cho sinh viên biết được cội nguồn dân tộc mình, tổ quốc mình. Sinh viên phải yêu đất nước thì mới hết lòng vì đất nước, mới biết xác định mục tiêu học tập, rèn luyện của mình là phụng sự tổ quốc. Tôi còn nhớ như in lời thầy chia sẻ với CB-GV: “Người ta chỉ say mê nếu người ta thấy bổ ích. Giảng viên phải làm sao để sinh viên thấy được sự bổ ích của các môn lý luận chính trị. Để làm được việc này cần có những giảng viên vừa giỏi về chuyên môn vừa có phương pháp sư phạm tốt. Tôi vẫn đang trăn trở liệu trong toàn hệ thống giáo dục bậc đại học nước ta hiện nay có được bao nhiêu giảng viên đủ khả năng làm được điều này”?


3. Với nhiều thế hệ sinh viên HUFLIT, thầy Huỳnh Thế Cuộc luôn được tôn vinh là một "nhân cách lớn". Thật không bất ngờ khi có một tờ báo lớn đã viết về thầy - "Người hiệu trưởng không lương" và rất nhiều phóng sự về cuộc đời và sự nghiệp của thầy trên các kênh truyền hình trong nước. Có lẽ, ảnh hưởng sâu sắc từ người lãnh đạo Tài – Đức, hầu hết các thầy cô trong trường đều là những giảng viên tâm huyết, kinh nghiệm chuyên môn cao và mẫu mực trong ứng xử.

Mới đó mà ngôi trường đã qua chặng đường 30 năm hình thành và phát triển. Nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ mái trường này đã thành công trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Dù đi đâu về đâu, mái trường HUFLIT vẫn là tổ ấm, nơi mà sinh viên bao thế hệ - những người con HUFLIT - luôn muốn quay về. Bởi ở đó có người thầy tuyệt với như thế…

Lý Đan Thanh

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp